Làm Hoàng đế Thục Vương_Kiến_(Tiền_Thục)

Thời kỳ đầu

Theo ghi chép, Vương Kiến không biết chữ, song hiếu cùng thư sinh đàm luận nên hiểu biết được phần nào. Đương thời, có nhiều thành viên thuộc quý tộc Đường đến tị nạn ở Thục, Vương Kiến hậu đãi và bảo họ truyền đạt lại kiến thức về cố sự, điển chương, văn vật. Do trưởng tử của ông là hiệu thư lang Vương Tông Nhân (王宗仁) từ nhỏ đã bị tật, ông quyết định phong thứ tử là Bí thư thiếu giám Vương Tông Ý làm Toại vương trong khi không phong vương đồng thời cho các hoàng tử khác, ẩn ý rằng Vương Tông Ý là người kế vị.[2] (Đến cuối năm 910 thì các hoàng tử khác mới được phong vương, sau đó một vài người con nuôi của ông cũng được phong vương.)[18]

Vương Kiến bổ nhiệm Vương Tông Cát làm Trung thư lệnh, bổ nhiệm Vi Trang làm Tả tán kị thường thị (sau bổ nhiệm Vi Trang làm Môn hạ thị lang, Đồng bình chương sự). Tuy nhiên, Vương Tông Cát thấy mình lớn tuổi nhất trong số các "giả tử", và là một người kế vị tiềm năng, ông trở nên chuyên quyền kiêu tứ. Đường Đạo Tập (唐道襲) được bổ nhiệm làm Xu mật sứ, song Vương Tông Cát vẫn tỏ ra ngạo mạn. Năm 908, Vương Kiến bổ nhiệm Vương Tông Cát làm Thái sư song bãi địa vị tể tướng, cho Trương Cách (張格) thay thế. Vương Tông Cát oán giận và thượng biểu thách thức Vương Kiến lập mình hoặc Vương Tông Ý làm thái tử, Vương Kiến cảm thấy bị xúc phạm; đến khi Vương Tông Cát tiếp tục mạo phạm Vương Kiến khi gặp mặt trực diện, Vương Kiến lệnh cho vệ sĩ đánh chết Vương Tông Cát, sau đó lập Vương Tông Ý làm thái tử.[2]

Cuối năm 908, quân Kỳ, Tiền Thục, và Tấn hợp binh tiến công Trường An, song sau khi tướng Hậu Lương là Lưu Tri Tuấn (劉知俊) và Vương Trọng Sư (王重師) đánh bại quân Kỳ, quân Tiền Thục và quân Tấn triệt thoái.[2]

Cũng vào năm 908, Vương Kiến lập Chu thị làm hoàng hậu. Sau đó, ông cũng lập Trương thị làm quý phi, Từ thị làm hiền phi, và muội của bà làm đức phi; ông rất sủng ái tỉ muội Từ thị.[18]

Năm 910, Vương Tông Ý và Đường Đạo Tập bắt đầu xảy ra tranh chấp, Hậu Thục Cao Tổ đành phái Đường Đạo Tập đi nhậm chức Sơn Nam Tây đạo tiết độ sứ. Trong khi đó, ông tiếp tục duy trì liên minh với Kỳ, gửi cho Kỳ các mặt hàng như trà, lụa, vải; song đến khi Lý Mậu Trinh đề nghị ông cắt nhượng Ba châu[chú 38] và Kiếm châu[chú 39], Vương Kiến từ chối. Năm 911, nhi nữ của Vương Kiến vốn được gả cho Lý Kế Sùng, nay được ban tước là Phổ Từ công chúa, cho người mang thư đến chỗ cha cáo buộc Lý Kế Sùng ngạo mạn và nghiện rượu. Sau đó, Vương Kiến đã triệu Phổ Từ công chúa về Tiền Thục, bề ngoài là mời bà về thăm nhà. Tuy nhiên, sau khi Phổ Từ công chúa đến Thành Đô, Vương Kiến đã giữ bà lại và không cho bà trở về chỗ Lý Kế Sùng. Lý Mậu Trinh tức giận và đã chấm dứt liên minh với Tiền Thục.[18]

Cũng trong năm đó, Lý Mậu Trinh tập hợp binh lính trên biên giới Kỳ-Thục, Vương Kiến cho Trung thư lệnh Vương Tông Khản làm Bắc lộ hành doanh đô thống, để Thị trung Vương Tông Hựu, Thái tử thiếu sư Vương Tông Hạ, Sơn Nam tiết độ sứ Đường Đạo Tập làm tam Chiêu thảo sứ, Tả kim ngô đại tướng quân Vương Tông Thiệu làm phó, suất 12 vạn bộ-kị binh phạt Kỳ. Quân Kỳ sau đó tiến công Hưng Nguyên song bị Đường Đạo Tập đẩy lui. Vương Kiến đích thân đưa quân đến Lợi châu, để Thái tử ở lại Thành Đô giám quốc. Sau khi quân Thục giành được một vài thắng lợi trước quân Kỳ, Vương Kiến trở về Thành Đô và để Vương Tông Hội đồn trú ở Lợi châu. Tuy nhiên, sau đó Lý Kế Sùng và Lý Tri Tuấn (nay là tướng Kỳ) tiến công vào Hưng Nguyên, gần như chiếm được thành. Vương Kiến khiển Vương Tông Hội và Vương Tông Bá đi giải vây, họ kết hợp với Đường Đạo Tập đánh bại quân Kỳ. Tuy nhiên, quân Kỳ tiếp tục đe dọa Hưng Nguyên và An Viễn (安遠) gần đó, Vương Kiến lại phải đích thân đến cứu viện và quân Thục sau đó mới có thể đánh bại dứt điểm quân Kỳ, buộc họ phải triệt thoái. (Khi hay tin Thục và Kỳ giao chiến, Chu Toàn Trung muốn tận dụng thời cơ nên khiển quan lộc khanh Lô Tần (盧玭) đem thư đến chỗ Vương Kiến, gọi ông là "huynh.")[19][20]

Thời kỳ cuối

Năm 913, Đường Đạo Tập trở về từ Sơn Nam Tây đạo và tiếp tục giữ chức xu mật sứ, Thái tử Vương Tông Ý (lúc này đã cải danh thành Vương Nguyên Ưng) phản đối và buộc tội Đường Đạo Tập. Vương Kiến không hài lòng về cáo buộc của Thái tử, song vẫn giáng Đường Đạo Tập làm Thái tử thiếu bảo (太子少保).[19]

Vào mùa thu năm 913, Vương Kiến lên kế hoạch xuất du nhân dịp Thất Tịch. Cũng vào dịp này, vào đêm trước thì Vương Nguyên Ưng thiết tiệc chư vương đại thần, song Tập vương Vương Tông Hàn (王宗翰), Xu mật sứ Phan Tiễu (潘峭) và Hàn lân học sĩ thừa chỉ Mao Văn Tích (毛文錫) không đến, khiến Vương Nguyên Ưng tức giận. Trong khi đó, các thân tín của Thái tử là Từ Dao (徐瑤) và Thường Khiêm (常謙) lại tập trung chú ý vào Đường Đạo Tập, Đường Đạo Tập sợ hãi và rời khỏi bữa tiệc. Ngày hôm sau, cả Vương Nguyên Ưng và Đường Đạo Tập đều cáo buộc lẫn nhau, bùng phát thành đối đấu vũ trang do Vương Kiến chấp thuận thỉnh cầu của Đường Đạo Tập là cho đồn doanh binh bảo vệ cung điện thay vì cấm binh do Thái tử kiểm soát. Khi hay tin đồn doanh binh được huy động, Vương Nguyên Ưng tập hợp binh sĩ Thiên Vũ quân (天武軍) của mình và tiến công, giết chết Đường Đạo Tập. Theo ý của Xu mật sứ Phan Kháng (潘炕), Vương Kiến triệu Trung thư lệnh Vương Tông Khản, Vương Tôn Hạ (王宗賀), và Lợi châu đoàn luyện sứ Vương Tông Lỗ (王宗魯) phát binh tiến công Vương Nguyên Ưng. Từ Dao bị giết, còn Thường Khiêm và Vương Nguyên Ưng chạy đến Long Dược Trì (龍躍池), Vương Kiến cử Vương Tông Hàn đi úy phủ Vương Nguyên Ưng. Tuy nhiên, trước khi Vương Tông Hàn đến nơi thì Vương Nguyên Ưng đã bị vệ sĩ giết chết. Vương Kiến nghi Tông Hàn giết Thái tử, cũng hết sức thương tiếc Thái tử, song sau đó quyết định rằng nếu không tuyên bố Vương Nguyên Ưng là kẻ phản loạn thì không thể ủy dụ quân dân, và sau đó hạ chiếu phế Vương Nguyên Ưng làm thứ nhân. Nhiều thuộc hạ của Vương Nguyên Ưng bị giết hoặc lưu đày.[19]

Sau đó, do Phan Kháng nhiều lần thúc giục, Vương Kiến dự tính lập tân thái tử. Thoạt đầu ông định chọn một trong hai người là Nhã vương Vương Tông Hạch (王宗輅)- người được đánh giá là giống ông nhất, và Tín vương Vương Tông Kiệt (王宗傑)- người được đánh giá là tài mẫn. Tuy nhiên, Từ hiền phi lại muốn nhi tử thân sinh là Trịnh vương Vương Tông Diễn- cũng là hoàng tử nhỏ tuổi nhất- làm thái tử. Do đó, bà liên kết với phi long sứ Đường Văn Ỷ (唐文扆) và Trương Cách. Trương Cách truyền đạt với các công thần, bao gồm Vương Tông Khản, nói dối rằng nhận được mật chỉ nói rằng Hoàng đế lựa chọn Vương Tông Diễn song không muốn tuyên bố công khai. Sau đó, ông ta soạn biểu thỉnh tôn Vương Tông Diễn làm thái tử, bảo Vương Tông Khản và những người khác ghi tên vào. Khi Vương Kiến nhận được biểu, ông nghĩ rằng Vương Tông Diễn được các công thần ủng hộ, nên lập Vương Tông Diễn làm thái tử mặc dù nghi ngờ về tài năng của vị hoàng tử này.[19]

Năm 914, Kinh Nam tiết độ sứ Cao Quý Hưng của Hậu Lương muốn tiến công Tiền Thục để đoạt lại bốn châu của Kinh Nam khi trước. Đầu tiên, Cao Quý Hưng tiến công Quỳ châu, Quỳ châu thứ sử Vương Thành Tiên (王成先) đẩy lui cuộc tiến công của Kinh Nam (mặc dù thượng cấp là Gia vương Vương Tông Thọ (王宗壽) từ chối tiếp tế). Sau đó, Vương Thành Tiên bí mật khiển người tấu với Vương Kiến rằng Vương Tông Thọ không hỗ trợ, song bị Tông Thọ bắt được, Tông Thọ sau đó triệu Vương Thành Tiên đến rồi xử trảm. Cũng vào năm 914, Vương Kiến dự định trả đũa bằng cách phá đập để Kinh Nam ngập lụt, song Mao Văn Tích lại can gián rằng việc này sẽ khiến cho rất nhiều dân thường thiệt mạng, Vương Kiến từ bỏ ý định. Cũng vào năm 914, khi Nam Chiếu (lúc này mang quốc hiệu Đại Trường Hòa) tiến công Lê châu[chú 40], Vương Kiến khiển hai con nuôi là Vương Tông Phạm (王宗范) và Vương Tông Bá, cũng như Vương Tông Thọ đem quân ứng chiến, kết quả quân Thục đánh bại quân Trường Hòa, quân Trường Hòa buộc phải triệt thoái. Khi Vương Tông Phạm, Vương Tông Bá, Vương Tông Thọ định tiến sâu vào lãnh thổ Trường Hòa, Vương Kiến liền triệu họ về. Theo ghi chép thì sau đó, Trường Hòa không còn tiến công vào lãnh thổ Thục.[21]

Vào mùa thu năm 915, Vương Kiến phát động tiến công Kỳ, cho Vương Tông Oản làm Bắc lộ hành doanh chế trí sứ, Vương Tông Bá làm Chiêu thảo sứ, đem quân tiến công Tần châu (秦州)- thủ phủ của Thiên Hùng quân; và cho Vương Tông Dao làm Đông Bắc diện chiêu thảo sứ, Đồng bình chương sự Vương Tông Hàn làm phó sứ, công Phượng châu[chú 41]. Cả hai cuộc tiến công đều thắng lợi, Phượng châu thất thủ, còn Lý Kế Sùng dâng Tần châu đầu hàng. Người chỉ huy quân Kỳ chống Thục là Lưu Tri Tuấn cũng đầu hàng, lãnh thổ của Kỳ nay chỉ còn khu vực quanh kinh thành.[21]

Vào mùa thu năm 916, Vương Kiến lại chuẩn bị tiến công Kỳ, cho Vương Tông Oản làm Đông bắc diện đô chiêu thảo sứ, Tập vương Vương Tông Hàn và Gia vương Vương Tông Thọ làm đệ nhất và đệ nhị Chiêu thảo sứ, đem 10 vạn quân tiến công từ Phượng châu. Vương Kiến lại cho Vương Tông Bá làm Tây bắc diện đô chiêu thảo sứ, cùng Vũ Tín tiết độ sứ Lưu Tri Tuấn, Thiên Hùng tiết độ sứ Vương Tông Trù (王宗儔), và Khuông Quốc quân sứ Đường Văn Duệ (唐文裔) làm đệ nhất, đệ nhị và đệ tam Chiêu thảo sứ, đem 12 vạn quân tiến công từ Tần châu. Quân Thục chiếm được Bảo Kê[chú 42] và bao vây kinh thành Phượng Tường của Kỳ. Tuy nhiên, cuộc bao vây bị cản trở bởi bão tuyết, do vậy Vương Kiến quyết định bỏ bao vây và triệu quân rút lui. Sau đó, đến tháng 12 ÂL, Vương Kiến tuyên bố đại xá, cải niên hiệu Thiên Hán và cải quốc hiệu thành "Đại Hán".[21]

Năm 917, xảy ra tranh giành quyền lực giữa Đường Văn Ỷ- liên kết với Trương Cách- và Mao Văn Tích. Dựa theo các cáo buộc của Đường Văn Ỷ, Vương Kiến cho lưu đày và tịch thu gia sản của Mao Văn Tích, đồng thời cũng giáng chức tể tướng Dữu Truyền Tố (庾傳素). Vương Kiến cũng lo ngại trước tài năng của Lưu Tri Tuấn, do vậy ông vu cáo Lưu Tri Tuấn muốn làm phản rồi xử tử.[4]

Tháng 1 ÂL năm 918, Vương Kiến tuyên bố đại xá, phục quốc hiệu "Thục".[4]

Thái tử Vương Diễn[chú 43] hiếu tửu sắc, nhạc du hí. Vương Kiến cũng thường thấy Thái tử cùng chư vương chơi đá gà và đánh cầu, rèo hò ầm ĩ. Vương Kiến do vậy bắt đầu thấy Vương Diễn không phải là người kế vị phù hợp, do vậy bực bội vơi Trương Cách, song với sự trợ giúp của Từ hiền phi, Trương Cách không bị ông bãi chức tể tướng. Tuy nhiên, Vương Kiến xem xét việc cho Vương Tông Kiệt làm Thái tử thay thế. Đến khi Vương Tông Kiệt đột ngột qua đời, Vương Kiến nghi ngờ rằng Tông Kiệt bị mưu sát, song sau đó không có thêm hành động nào nhằm thay thế Vương Diễn.[4]

Vương Kiến lâm bệnh rất nặng vào mùa hè năm 918, ông triệu đại thần nhập tẩm điện và giao phó Vương Diễn lại cho họ. Nội phi long sứ Đường Văn Ỷ muốn trừ bỏ các đại thần khác để đoạt lấy quyền lực, các đại thần nhận thấy điều này và họ xông vào cung điện để tấu với Vương Kiến. Vương Kiến quyết định lưu đày Đường Văn Ỷ, ban di chiếu bổ nhiệm Tống Quang Tự (宋光嗣) làm Nội xu mật sứ, cùng với Vương Tông Bật, Vương Tông Dao, Vương Tông Oản, Vương Tông Quỳ phụ chính cho Vương Diễn. Vương Kiến cũng di huấn rằng các thành viên trong gia tộc của Từ hiền phi không được làm chỉ huy quân sự. Ngày Nhâm Dần tháng 6 ÂL, Vương Kiến qua đời, Thái tử Vương Diễn kế vị.[4]